Bộ Tam Đa Phúc-Lộc-Thọ có nguồn gốc từ bên Trung Quốc, nên theo Hán tự phải sắp xếp ngựợc lại từ phải sang trái Phúc -Lộc - Thọ
CUỐN THƯ : PHÚC LỘC THỌ (đọc từ phải sang trái)
Bộ Tam đa Phúc-Lộc-Thọ là ba điều mơ ước muôn thuở của mỗi người, mỗi nhà và đem lại may mắn cho gia đình bạn :
Lộc
Trước hết xin bàn về chữ Lộc. Lộc dù là tranh, là tượng hay là chữ, cũng không bao giờ đứng riêng một mình. Bao giờ cũng đứng cùng hai ông Phúc, Thọ thành bộ tam đa! Phải chăng người ta không muốn cái ham muốn của mình nó thể hiện ra một cách lộ liễu quá? Cũng không phải ngẫu nhiên mà người xưa đặt Lộc vào vị trí trung tâm, hai bên là Phúc và Thọ. Đấy chính là ý răn dậy sâu xa của tiền nhân với hậu thế: Hưởng Lộc phải nghĩ đến tạo Phúc, cầu Thọ. Nhắm mắt thu Lộc bất minh, bất chấp Phúc, Thọ thì thật là nguy hại!
Trong bộ tam đa, ông Lộc được hình tượng bằng một vị quan “cân đai bối tử” đề huề! Điều đó thể hiện một điều: đã làm quan, tất có lộc; lộc tức là quan! - Như vậy, có thể khẳng định, từ xa xưa, dân ta đã biết, đã hiểu: lộc với chức quan, là một! Làm quan tất có lộc, chính là như vậy!.
Lộc có thứ của vua ban, có loại của dân biếu. Vua ban để úy lạo bầy tôi đã “chí công, vô tư” thay vua cai quản, chăn dắt dân chúng dưới quyền! Còn dân kính biếu quan là để bày tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó mà quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói Lộc chính là sự ghi nhận công lao các quan: công lao với dân và công lao với vua, với nước. Có công lao thì có lộc! Và đấy cũng là tiêu chí để phân biệt quà “biếu” với “hối lộ”! Không công lao, mà nhận quà, nhận thưởng, thì đó là thứ hưởng thụ bất minh, bất chính!
Ở đời có quy luật nhân quả: “Nhân nào quả đấy “ và hưởng Lộc phải nghĩ đến tạo Phúc, cầu Thọ.
Phúc
Quan niệm phổ biến xưa kia đều cho rằng người nào có con (trai) cháu (trai) tức có người nối dõi tông đường, là người có Phúc. Vì lẽ này mà Phúc có hình tượng một cụ già với đàn con cháu đông đúc vây quanh! Đó là suy nghĩ lỗi thời, tưởng đã rơi vào quên lãng. Ai ngờ, quan điểm này gần đây lại phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính! Có con có cháu mà chúng lại bất hiếu, thậm chí lại mắc vào nghiện ngập ma túy, trộm cắp, tham nhũng, thì bất hạnh đó còn lớn gấp nhiều lần nỗi bất hạnh không con!
Một quan niệm khác cũng khá phổ biến: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Có thật đúng như vậy không? Bởi vì nếu công nhận điều ấy, thì tất cả những nhà mà con cái không vượt qua được cái bóng của người cha, đều là vô phúc cả sao? Cái mệnh đề này hiểu theo nghĩa tương đối thì có thể chấp nhận, chứ quyết đoán tuyệt đối thì e rằng không thông! Đấy là chưa suy xét tới nội dung của cái hơn đó là gì! Bởi nếu sự hơn lại ở chỗ ăn chơi, hưởng thụ thì đấy chắc chắn là sự vô phúc rồi, chứ đâu còn là phúc?
Thuyết Phong thủy cho rằng việc đặt mồ mả tổ tiên có ý nghĩa quyết định đến việc ai trong dòng tộc được hưởng Phúc (gọi là Âm phúc). Vì lẽ này mà nhiều khi sinh ra nghi ngờ động cơ của nhau, cho rằng người đề xướng có thể chỉ nghĩ đến lợi cho phía đằng mình. Thế là mâu thuẫn nặng nề, thậm chí dẫn đến từ nhau trong gia tộc, sau khi xây mộ gia tiên! Làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, người hoạn nạn, cũng được coi là làm phúc. Với ý nghĩa này thì phúc và đức thường gắn chặt, đi đôi với nhau.
Mỗi khi ai đó thoát khỏi một mối nguy cơ nào đấy như vượt qua được một căn bệnh hiểm nghèo, một tai nạn khủng khiếp hoặc thoát khỏi sự liên lụy tới một vụ bê bối về tài chính, một vụ làm ăn phi pháp vừa bị đổ bể, người ta thường xoa tay: “Phúc quá, không thì chết, chết cả nút!”. Phúc đây là “Phúc ấm của tổ tiên!”, nhưng có khi nào tổ tiên lại bao che cho những hành không tốt của con cháu?!.
Phổ biến nhất là quan điểm tạo phúc là một quá trình của nhiều đời, nhiều thời gian (phúc dày). Chính vì thế mà có câu: “Nhờ phúc 75 đời nhà nó, chứ không...!”. Đã có những người con dâu hiếu thảo, khi vợ chồng làm ăn phát đạt, đem tiền biếu cha mẹ chồng, đã nói rất hay rằng: “Chúng con có được như ngày nay, là nhờ phúc của cha mẹ, chứ không hoàn toàn của chúng con”. Khéo không! Thế thì cha mẹ nào còn nỡ từ chối? Làm việc Phúc là phải quên như chưa hề làm, là không bao giờ được kể lể công lao, khoe khoang thành tích thì may ra mới có phúc. Ấy là điều các cụ xưa vẫn dạy!
Điều cần ghi nhớ là Phúc không dễ mà có được, cũng không phải cứ cầu là được. “Phúc bất trùng lai” chứ không như “Họa vô đơn chí!”.
Cho nên ai ai cũng cần chăm lo tạo phúc cho mình và hơn thế nữa, cho con cháu mình. Tạo phúc phải đặt lên trước hết, trên hết, là cách hiểu đúng đắn nhất của mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Người xưa khuyên: “Hãy ăn ở thế nào để có thể để phúc lại cho con, cho cháu!”. Phúc là tài sản để lại bền chặt nhất! Một khi đã vô phúc thì tiền của chả còn ý nghĩa gì nữa!
Thọ
Không rõ thực vật thế nào chứ trong giới động vật thì có thể đoán chắc điều này: Không có con nào lại không “ham sống, sợ chết”. Nghĩa là đều muốn... trường thọ! Con người lại càng thế. Nhưng con người khác con vật ở chỗ khi cần thiết, dám hy sinh mạng sống của mình vì đại nghĩa, vì Tổ quốc, vì cả người khác nữa! (Đôi khi con vật cũng xả thân, nhưng đa phần vì miếng ăn, tức vẫn chỉ vì sự sống của bản thân hoặc con cái chúng mà thôi!).
Mọi người hẳn đều thuộc lòng câu: “Sinh có hạn, tử bất kỳ”. Thiên nhiên quả là vĩ đại! Nếu như tử cũng tính được hạn định cụ thể như sinh, thì e rằng cuộc sống sẽ giảm đi thi vị nhiều lắm. “Bất kỳ” mới tạo nên sức hấp dẫn đến cùng và niềm hy vọng khôn nguôi, đối với cuộc sống tất cả chúng ta! Người ta còn phân biệt khi ai đó chết trẻ, thì cáo phó phải dùng chữ hưởng dương, chứ không được dùng chữ hưởng thọ. Cho nên thọ chính là một trong những tiêu chí của hạnh phúc - đối với bản thân người thọ cũng như với con cháu. Thọ cũng là đặc trưng của xã hội tiến bộ, bởi sự đóng góp to lớn của những phát minh vĩ đại về công nghệ nói chung và y học nói riêng.
Nhưng con người chúng ta thường khi về già hay tự đặt câu hỏi: “Thọ thế nào thì vừa? Thọ có thực sự là một điều hạnh phúc không?” Trả lời câu hỏi này thật không đơn giản chút nào!
Ý tưởng của câu hỏi trên không nằm ở chỗ muốn tìm giới hạn của sự sống, mà chính là muốn bàn xem sống đến khi nào, sống trong tình trạng thể xác và tinh thần ra sao thì xứng đáng gọi là thọ? Bởi vì thọ luôn luôn gắn với hạnh phúc. Một khi đã không còn hạnh phúc, thì thọ chả còn ý nghĩa gì cả! Thọ, trong trường hợp ấy, để làm gì? Trong thực tế, không một ai muốn chết cả. Già yếu ốm đau đến mấy cũng “còn nước còn tát”, cũng vẫn muốn được cứu chữa để sống. Ngược lại, cũng có người tự thấy mình… “đã đến cõi”, bệnh quá hiểm nghèo, không nên làm phiền con cháu, thanh thản chấp nhận ra đi, về cõi vĩnh hằng. Mong rằng chỉ ốm qua loa đủ để con cháu trả nghĩa, rồi được theo về với tổ tiên là hạnh phúc nhất!
Hà Nội | Cửa hàng 1 : 63 Thanh Liệt - Thanh Trì (đối diện hồ công viên Chu Văn An)
Cửa hàng 2 : Vị trí 78 Biệt thự LK1 Khu đô thị Đại Thanh - Thanh Trì Xưởng hoàn thiện : Sơn Hà - Phú Xuyên |
Nam Định | Xưởng 1 : Khu 1 Thị trấn Ngô Đồng - Giao Thủy
Kho + xưởng 2 : Đình Hát - Ninh Xá - Ý Yên |
Hotline | 0913.870.861 (zalo/facebook) |
dothohaimanh.vn@gmail.com mienatys@gmail.com |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
1. Đôi nét về sơn son thiếp vàng Sơn son thiếp vàng đã có từ lâu đời, trên thế giới rất nhiều quốc gia đã sử dụng để trang trí cung điện , nhà thờ , nhà chùa , hoàng cung. Cùng với sự phát triển và giao thương về kinh tế thế giới, ngày nay sơn son thiếp vàng được ứng dụng rộng rãi,...