Từ động đất 6,1 độ Richter
Vào một sáng thứ Hai tại Osaka, dù trận động đất 6,1 độ Richter vừa mới xảy ra vài phút trước, hàng dòng người vẫn bình tĩnh tìm đủ mọi cách để đi đến chỗ làm của mình, góp phần làm gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông vừa bị phá hủy.
Hai phương tiện thông dụng nhất là tàu hỏa và tàu điện ngầm đều bị ảnh tưởng. Kẹt xe xảy ra khắp mọi nơi và tất cả taxi trong khu vực đều được sử dụng hết năng suất. Ngay cả những người già muốn đi khám bệnh cũng phải hủy hẹn để nhường chỗ cho các nhân viên đang quyết tâm đến chỗ làm. Văn hóa làm việc của Nhật Bản đáng sợ đến thế đấy.
Giáo sư Yu Hiroi của Đại học Tokyo cho rằng văn hóa này chỉ làm mọi chuyện trở nên tệ hơn. "Số lượng người di chuyển ở nơi công cộng sau thiên tai phải được tối thiểu để hạn chế thương vong do dư chấn, hỏa hoạn, hay tạo chỗ trống cho các phương tiện khẩn cấp."
Vị giáo sư trên còn cho rằng công ty nên xác định rõ với nhân viên về các trường hợp "được phép" ở nhà.
Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì sẽ không thay đổi được tình hình, nhân viên Nhật Bản đã quá quen với văn hóa làm việc "chết bỏ" và họ luôn cảm thấy áp lực phải xuất hiện tại nơi làm dù trời có sập đi chăng nữa.
"Tôi vẫn sẽ đi làm dù phải đi bộ đến nơi, và tôi nghĩ ai cũng sẽ vậy thôi." – một người đàn ông 60 tuổi tại Nhật chia sẻ. Một phụ nữ 30 tuổi khác cho hay: "Tôi sẽ muốn biết gia đình mình có an toàn không, và sau đó vẫn sẽ tiếp tục đi làm."
Và nếu một trận động đất tương tự diễn ra ở thủ đô Tokyo, ước tính có đến 900.000 người dân sẽ bị mắc kẹt do "quyết tâm" đi làm, và thảm họa sẽ xảy ra do thành phố này chỉ có đủ chỗ tạm trú cho 1/3 số lượng người trên.
Đến hai quả bom nguyên tử hủy diệt
Tsutomu Yamaguchi là một kỹ sư 29 tuổi của Tập đoàn Mitsubishi vào năm 1945. Và ngày công tác cuối cùng tại Hiroshima của chàng trai này cũng là ngày định mệnh mà quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống.
Khoảng 8h15 sáng hôm đó, Yamaguchi nghe thấy tiếng máy bay khi đang làm việc, và tiếp sau đó là một tiếng nổ vang trời. Ông bị hất bay tới cánh đồng khoai tây gần đó vì chỉ đứng cách điểm bom rơi khoảng 3 km.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi nghĩ là mình đã bị bất tỉnh một thời gian, lúc mở mắt được, tôi chỉ nhìn thấy một bầu trời đen kịt", Yamaguchi trả lời trên tờ The Times. Một phần khuôn mặt và tay của ông bị bỏng nặng, với hai màng nhĩ bị thủng hoàn toàn.
Sau khi chờ một đêm tại hầm trú ẩn, Yamaguchi quyết định bắt tàu trở về trụ sở làm việc của mình. Hai bên đường ray chỉ còn những đống đổ nát và một số cây cầu bị áp lực của quả bom bẻ cong, khiến Yamaguchi phải tự bơi qua một dòng sông để trở về Nagasaki.
Đến Nagasaki vào ngày 8/8/1945, ông nhanh chóng được đưa vào bệnh viện để chữa trị, những vết bỏng trên người nặng đến mức vị bác sĩ đồng thời là bạn học khi xưa của Yamaguchi cũng không hề nhận ra ông.
Dù trên bờ vực nửa tỉnh nửa mê, Yamaguchi vẫn ráng lết ra khỏi giường để đến chỗ làm vào sáng hôm sau, ngày 9 tháng 8. Đến khoảng 11 giờ, ông được chủ tịch công ty mời họp trực tiếp để giải thích tình hình tại Hiroshima.
Và trong lúc Yamaguchi đang cố thuyết phục các vị sếp "cứng đầu" của mình về loại vũ khí có thể hủy diệt cả một thành phố, thêm một tiếng nổ vang trời kèm với ánh sáng chói lòa phủ khắp căn phòng. "Tôi cứ nghĩ rằng đám mây hình nấm đó đã đi theo tôi từ Hiroshima đến Nagasaki." Ông kể lại với phóng viên báo The Independent.
Chỉ trong vòng ba ngày, người đàn ông này đã đón nhận đến 2 quả bom nguyên tử trong lúc làm việc. Nhưng không giống các nạn nhân bị phơi nhiễm phóng xạ khác, Yamaguchi dần dần hồi phục và tiếp tục … trở lại làm việc.
Ông bắt đầu với công việc thông dịch viên cho quân đội Mỹ sau Thế chiến thứ hai, trở thành một giáo viên, và sau đó "nối lại tình xưa" khi quay lại làm việc cho Mitsubishi.
Yamaguchi là người duy nhất được chính phủ Nhật công nhận sống sót qua hai đợt bom nguyên tử và được trao huân chương vinh dự vào năm 2009, một năm trước ngày mất của ông.
Tsutomu Yamaguchi hưởng thọ 93 tuổi và đi vào lịch sử như một minh chứng hùng hồn về tinh thần làm việc của người Nhật Bản.
Theo Trí Thức Trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đồ thờ hiện đại là các sản phẩm đồ thờ đã được cải tiến nhằm phù hợp với không gian sống hiện đại những vẫn giữ gìn được những kiểu dáng và sự tôn nghiêm, trang trọng của đồ thờ cúng. Đồ thờ hiện đại đặc trưng bởi các kiểu mẫu bàn thờ gia đình, bàn thờ gia tiên cho căn hộ chung cư, và các loại...