GS Nguyễn Lân Dũng bàn về thấu hiểu trong tạo lập Cộng đồng châu Á

Thứ bảy - 04/08/2018 11:38
Toàn nhân loại đang đương đầu với sự nóng lên toàn cầu, chỉ có cách hợp sức lại mới có thể đối phó.

Chiều 3/8, tại hội thảo One Asia 2018 tổ chức ở Hà Nội với chủ đề "Hy vọng tương lai", GS Nguyễn Lân Dũng là một trong những diễn giả chia sẻ về định hướng chiến lược và biện pháp cụ thể mà các nước trong khu vực sẽ hợp tác thực hiện, nỗ lực tạo lập Cộng đồng châu Á trong tương lai không xa. 

Trình bày bản tham luận Thấu hiểu và chia sẻ là nền tảng để tạo lập cộng đồng châu Á, ông đặt vấn đề: “Chúng ta biết trong lịch sử, hầu hết bi kịch xảy ra theo từng gia đình, theo từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau đều do thiếu thấu hiểu và thiếu chia sẻ”.

Xác định được điều này, con người hoàn toàn có thể tìm ra cách để cùng nhau chung sống trong hòa bình, cùng nhau phát triển, giao lưu kinh tế để không còn đói nghèo, cùng phát triển nền văn hóa mang bản sắc châu Á và cùng vươn lên đón nhận những thành tựu mới mẻ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát huy thế mạnh của châu lục lớn nhất

Châu Á là châu lục lớn nhất địa cầu, chiếm 29,9% diện tích Trái Đất và cũng là châu lục đông dân cư nhất với khoảng 4 tỷ người, chiếm đến 60% dân số thế giới, có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế mạnh của châu Á gồm nền tảng văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong đó, đường ven biển dài đến 62.800 km, ngọn núi Everest được coi là nóc nhà thế giới với chiều cao 8.848 m, dòng Dương Tử Giang dài đến hơn 6.300 km. Những thế mạnh này còn có thể phát triển hơn nữa nếu người dân cả châu lục gắn kết với nhau về tinh thần.

GS Nguyễn Lân Dũng trình bày tham luận tại hội thảo One Asia 2018, diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

GS Nguyễn Lân Dũng (áo đen) trình bày tham luận tại hội thảo One Asia 2018, diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

“Muốn tạo lập một cộng đồng châu Á trong tương lai không xa theo đúng với nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, ta cần thiết nêu cao tinh thần thấu hiểu và chia sẻ. Thấu hiểu bao gồm từ hiểu bản thân, hiểu người khác, trong gia đình, hiểu cả cộng đồng dân tộc và tiến đến hiểu cả cư dân các nước trong cộng đồng châu Á”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Triết lý thấu hiểu và chia sẻ chính là nguyên nhân giúp nền văn minh nhân loại phát triển đến mức có thể thống nhất mọi khái niệm, dù thuộc bất kỳ quốc gia, tôn giáo, sắc tộc nào. Theo ông, nếu mỗi cư dân châu Á xây dựng một nền móng quyền lực, bao gồm thân thể khỏe mạnh, tinh thần cân bằng, trí tuệ sáng suốt và tâm linh mạnh mẽ thì sức mạnh của toàn châu lục sẽ tăng lên gấp bội.

Mỗi người đều có quyền khai thác những nguồn lực dồi dào để xây dựng nền móng quyền lực ấy. “Vậy can cớ gì mà không chung tay xây dựng cuộc sống tươi rất đẹp trong từng gia đình, từng quốc gia, trong cả châu lục? Can cớ gì phung phí tiền bạc để đúc vũ khí, làm máy bay, tàu ngầm nhằm lấn chiếm lãnh thổ của nhau?”, ông đặt câu hỏi.

Giáo sư nhắc đến sự hòa hợp Liên Triều, sự kiện “làm nức lòng nhân dân không chỉ châu Á mà trên toàn thế giới” để minh chứng cho sức mạnh của thấu hiểu và chia sẻ.

Mọi quốc gia cần hợp sức đối phó sự nóng lên toàn cầu

Ngoài chiến tranh, GS Nguyễn Lân Dũng đề cập đến hiểm nguy khác đang đe dọa toàn nhân loại. Đó là sự nóng dần lên toàn cầu do biến đổi khí hậu. “Không quốc gia nào, dân tộc nào đứng ngoài mối hiểm nguy này và chỉ có cách cùng nhau và bằng mọi cố gắng để hạn chế tác hại của sự biến đổi khí hậu”, ông khẳng định.

Nhà giáo nhân dân thông tin, nếu nước biển dâng một mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Với các nước khác ở châu Á, tình hình cũng không mấy khả quan hơn.

Do đó, chung tay bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ tính đa dạng sinh học, chia sẻ những kinh nghiệm tốt để ngăn hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường sống là trách nhiệm chung của toàn châu lục.

Đại bảo tham dự hội thảo thuộc 300 trường đại học khu vực châu Á và các nước khác trên thế giới. Ảnh: Thùy Linh

Đại biểu tham dự hội thảo thuộc 300 đại học khu vực châu Á và các nước khác. Ảnh: Thùy Linh

Ông xác định Việt Nam đi sau nhiều nước châu Á nhưng luôn cố gắng học hỏi để hoàn thiện. Chẳng hạn, với GDP bình quân đầu người chỉ hơn 2.300 USD, Việt Nam nhìn sang quốc đảo Singapore, nơi hầu như hoàn toàn không có ưu đãi gì về tài nguyên thiên nhiên nhưng đạt GDP bình quân đầu người tới 70.000 USD. Việc tham khảo kinh nghiệm có thể gồm nghiên cứu mô hình SMART của nước bạn.

Đối mặt với những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng 4.0, giáo sư kêu gọi các quốc gia chia sẻ với nhau những thành tựu mới mẻ, những công nghệ đang thay đổi về bản chất. “Ta cũng cần chia sẻ với nhau về việc trao đổi lao động và biến thế hệ trẻ thành những công dân toàn cầu, đáp ứng từng nhu cầu của từng quốc gia", ông nói.

Về bản thân, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam và là người sáng lập ra Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật Việt Nam (VTCC), GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ đã tạo được mối quan hệ khăng khít với các nhà vi sinh vật học của 23 tổ chức thuộc 13 nước châu Á thông qua Hiệp hội Bảo tồn và sử dụng bền vững vi sinh vật châu Á.

One Asia Convention là sự kiện thường niên của Quỹ One Asia, là diễn đàn cho các chính khách, nhà quản lý và nhà khoa học chia sẻ kiến thức, ý tưởng, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả nhằm thực hiện tôn chỉ của Quỹ là tạo lập Cộng đồng châu Á trong tương lai không xa.

One Asia Convention Hanoi 2018 được tổ chức trong hai ngày 3-4/8 do tĐại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai với sự tài trợ của Quỹ One Asia. Hơn 600 đại biểu thuộc 300 đại học khu vực châu Á và các nước khác trên thế giới tham dự hội thảo. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Xây dựng nhà gỗ

Nhà gỗ là sản phẩm đỉnh cao nhất của nghề mộc. Dựng một ngôi nhà gỗ không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mộc, điêu khắc, mà còn cả kinh nghiệm đúc kết của bao đời thợ. Nói đến nghề mộc, không thể phủ nhận danh tiếng của những thợ mộc Thành Nam, vốn làm ra những sản phẩm vững chắc vượt thời gian mà không cần...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Đồ thờ Hải Mạnh?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây