Thêm một nhân viên nữa của phòng tôi xin nghỉ việc, giờ tìm người dễ lắm, nhưng tìm người kiên nhẫn trụ lại mới là chuyện khó. Nhất là nhân viên đang học việc, gì cũng lạ gì cũng bỡ ngỡ mà bị sếp mắng ngày ba trận thì nay xin vào, mai biến mất là bình thường. Chỉ khổ mấy người cũ, vừa nghe sếp mắng, vừa dạy vừa động viên người mới và gò lưng làm đợi người mới cứng cáp.
Cả tháng nay ngày nào tôi cũng về nhà lúc tám giờ tối, người rã rời, có khi tôi chỉ muốn vứt túi xách ra rồi lăn ra ngủ, mặc kệ mọi chuyện muốn ra sao thì ra nhưng vì hai đứa con, tôi buộc mình không được nằm, tôi cần phải vào bếp coi bữa tối con trai lớn đã nấu nướng như thế nào, rồi nhắc con gái nhỏ học bài.
Tôi là mẹ đơn thân. Việc ấy ảnh hưởng tới bọn trẻ. Hình minh họa |
Con trai lớn đã mười bốn, đã biết giúp đỡ mẹ nấu cơm, lau quét nhà và nhắc nhở em, nhưng con gái nhỏ tính nết nhõng nhẽo, đôi khi nảy tính ương bướng khó dạy nên tôi luôn phải để mắt ngó chừng.
Tôi là bà mẹ đơn thân, việc chúng tôi ly hôn cũng ảnh hưởng đến hai đứa trẻ, nhất là con gái vì nó đã chứng kiến ba nó, người nó ngỡ yêu thương nó nhất trên đời đã quát lên với đôi mắt vằn đỏ rằng chúng nó là “thứ của nợ bám chân”.
Mất khá nhiều thời gian để tôi xoa dịu chúng, đến nỗi khi tôi sực nhớ đến nỗi đau của mình thì nó đã liền da nối thịt, đến nay thì mọi chuyện đều tạm ổn, hai đứa trẻ đã chấp nhận gia đình chỉ có ba người.
Là người vào công ty lâu nhất, hiểu sếp nhất nên tôi chỉ có thể im lặng làm tốt việc của mình và kham thêm bất cứ việc gì có thể. Sếp tôi là người phụ nữ mạnh mẽ thẳng tính, trong khi sự nghiệp của sếp ngày càng phát triển thì công việc của chồng sếp lại càng ngày càng đi xuống
Chán đời, anh bỏ việc nhậu nhẹt bài bạc và tệ hơn còn mang tiền đi nuôi bồ, rồi ly hôn là điều không tránh khỏi. Người đàn bà mạnh mẽ như sếp mà cũng rơi nước mắt khi đối diện với nỗi đau đàn bà của mình. Lý do ly hôn của họ cũng khác người, do chị mạnh mẽ quá không còn cần ai nên anh chồng phải mang vòng tay ấm của mình trao cho người khác cần hơn.
Chị nói chị không nghĩ mọi chuyện lại đến mức này, chị đâu làm gì thương tổn đến tự ái sĩ diện đàn ông của anh. Đàn bà giỏi hơn chồng mình chẳng lẽ là cái tội? Chẳng lẽ chị phải tự mình làm mình ngu đi một chút, nông nổi một chút mới được chồng yêu thương?
Đứa con gái chị từ ngày đó chỉ nhốt mình trong phòng, không chuyện trò giao tiếp với ai, cũng không thèm đi học. Chị bấn lên với việc công ty, việc nhà, con gái...
Tôi không biết nói gì với chị, lý do để yêu duy nhất chỉ có một, đó là yêu. Nhưng khi hết yêu thì lý do có cả thúng để chia ly, tôi không giỏi cũng tan đàn xẻ nghé đó thôi. Nói cho cùng ai cũng có tội, giỏi quá cũng là tội, ngoan quá cũng là tội, và đôi khi không có tội cũng là tội, cũng thành lý do để nghĩa tình nguội lạnh.
Chị vốn quen ở trên cao, nay ngã thì khó chấp nhận và đau hơn một chút, cùng phận đàn bà, không ai lấy bất hạnh của mình ra làm kinh nghiệm, tôi chỉ biết im lặng ở cạnh chị.
"Em có biết vì sao một gia đình có cả bố và mẹ không?"
Tiếng con trai tôi, hai anh em đang làm gì đó ngoài ban công mà mẹ về chúng vẫn không hay biết. Ngoài ấy tôi có đặt mấy chậu đất, khi vui tôi trồng một ít rau, khi bận bịu tôi cho đất nghỉ và con gái thường ra đó chơi.
"Em không cần ba".
Tiếng con gái tôi sũng nước, từ ngày đó nó luôn tránh mặt ba khi anh ghé thăm, anh hỏi nó không nói, cho gì cũng không cầm không lấy.
"Là anh Hai đang hỏi xem em có thông minh, có hiểu biết không, đâu phải nói chuyện nhà mình".
Con gái nhỏ dừng tay đào đất, nghe anh khích “thông minh, hiểu biết” cô gái nhỏ có vẻ có vẻ nghĩ ngợi.
"Ba là chủ gia đình, ba đi kiếm tiền, ba chạy xe chở mẹ và con đi làm hay đi chơi, ba sửa bóng đèn, sửa ống nước, dắt xe đi rửa..."
"Còn mẹ làm gì?"
"Mẹ nấu cơm giặt đồ rửa chén, mẹ cười với cả nhà, là chăm sóc gia đình ấy!".
Mẹ vừa đi làm kiếm tiền vừa chăm sóc gia đình. Hình minh họa |
"Còn mẹ mình thì sao, mẹ kiếm tiền mệt mỏi, mẹ chạy xe chở anh em mình, mẹ chăm sóc gia đình đấy, nhà mình chỉ có mẹ nên mẹ phải làm hết thấy không? Em phải ngoan để anh nấu cơm chứ, mẹ sắp về đến rồi, em tự học đi, chỗ nào khó kêu anh Hai chỉ cho. Mẹ đi làm cả ngày mệt rồi, lỡ mẹ mệt mẹ bệnh thì em tính sao?"
Con trai tôi nói một tràng, hẳn cu cậu đã mất khá nhiều thời gian để nghĩ bài "dắt" cô em gái ương bướng hướng đến câu chuyện của mình. Con gái dừng tay đào đất, ra vẻ suy nghĩ rồi gật:
"Hai biết nấu cháo không, không hả, Hai học nấu cháo đi, rủi mẹ bệnh Hai còn nấu cháo cho mẹ ăn, em cũng không quăng đồ tùm lum nữa, em sẽ gấp đồ lau bàn phụ Hai."
“Em cũng đừng nhõng nhẽo nha, mẹ đi làm về em rót nước, cất túi xách cho mẹ…”
“Em sẽ thơm cho mẹ hết mệt!”, con gái nhỏ reo lên mừng rỡ như vừa phát hiện ra châu lục mới.
Tôi ngồi dựa lưng vào tường mỉm cười mà không hiểu vì sao mắt cứ ướt, tôi không dám thả túi xách với chùm chìa khóa xuống vì không muốn đánh động hai đứa trẻ.
Con trai tôi năm nay mười bốn, tôi vẫn nghĩ con mình khờ vụng khi tôi liên tục ăn món canh không muối hay món thịt kho có vị của chè, con gái thì ỷ mình là út nên còn nhõng nhẽo, đôi khi còn bắt nạt anh. Nhưng chúng đã ngày một khôn lớn trưởng thành vào những lúc tôi không nghĩ tới.
Tôi thấy những ngày mệt mỏi của mình thật đáng giá, tôi thấy những cố gắng của mình xứng đáng được nhận huy chương. Tôi thấy đang vun xới cho một cái cây, một ngày không xa tôi sẽ được cây cho bóng mát và quả thơm. Nên dù có vất vả phải làm cả cha cả mẹ, tôi vẫn có thể vịn vai con mà đứng vững.
Bởi những đứa trẻ, bản thân chúng đã là những thiên thần. Hình minh họa |
Mặc kệ lũ trẻ nghịch đất, tôi vào nhà tắm gọi điện cho sếp: "Chị đừng nhìn lên trời kẻo chói, đừng nhìn xa lại phải nheo mắt nhìn, cứ nhìn vào con gái chị và bước tới..".
Bởi những đứa trẻ, bản thân chúng đã là những thiên thần.
Hoài Thương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nhà gỗ là sản phẩm đỉnh cao nhất của nghề mộc. Dựng một ngôi nhà gỗ không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mộc, điêu khắc, mà còn cả kinh nghiệm đúc kết của bao đời thợ. Nói đến nghề mộc, không thể phủ nhận danh tiếng của những thợ mộc Thành Nam, vốn làm ra những sản phẩm vững chắc vượt thời gian mà không cần...