Cả tuần nay bà thấy người hơi mệt nhưng vẫn gắng đi chợ nấu cơm cho cả nhà. Buổi trưa, mới đặt nồi canh lên bếp, bà thấy choáng váng đầu óc nên nhờ ông trông giùm rồi đi nghỉ.
| |
Bà mệt phải nhờ ông trông giùm nồi canh. Ảnh minh họa |
Bà nằm mê mệt đến gần bốn giờ chiều mới dậy nổi, cơn nhức đầu đã qua nhưng người cứ đờ đẫn. Dưới bếp, chén bát của bữa trưa chất đống như chờ đợi. Bà lặng lẽ thở dài, không biết rồi đây khi bà già yếu không kham nổi nữa thì mọi chuyện sẽ ra sao.
Nhà bà có 10 người cả thảy, gồm ông bà, vợ chồng con trai, vợ chồng con gái và mấy đứa cháu. Lo cho chừng ấy người ăn uống, sinh hoạt không phải là chuyện dễ dàng.
Nhìn vẻ bề ngoài, ai cũng khen gia đình bà đầm ấm, sống chung nhiều thành phần vậy mà vẫn hòa thuận nhưng mấy người thấu hiểu bên trong luôn có những đợt sóng ngầm.
Bà chính là người có công lớn trong việc giữ cho gia đình được bình yên, dẹp yên mọi mâu thuẫn từ khi mới phát sinh. Nhưng càng ngày, bà càng cảm thấy mình đuối sức, gắng gượng chỉ vì thương con.
Cách đây mấy năm, đứa con gái út của bà lấy chồng, nhà chỉ còn ông bà và vợ chồng con trai. Nhưng rồi, thấy con gái ở trọ trong khi nhà cửa rộng rãi lại để không nên bà bàn với ông gọi vợ chồng con gái về ở cùng.
Lúc đầu, con rể cứ nấn ná nhưng vợ mang bầu sinh con không có ai chăm nên cũng thuận theo. Từ ngày vợ chồng con gái chuyển về, bà yên tâm hẳn, không còn phải thao thức trằn trọc mỗi khi trời mưa to gió lớn vì lo cho con chưa có chỗ ở ổn định. Nhưng đổi lại, áp lực đặt lên vai bà ngày càng lớn. Sống quây quần bên con cháu đầm ấm thật nhưng cũng lắm nhiêu khê.
Con dâu bà ngày trước rất chăm lo nhà cửa, hết giờ làm là về nhà phụ mẹ chồng cơm nước, đi đâu có món gì ngon cũng mua về. Nhưng từ ngày vợ chồng con gái về ở cùng, con dâu kiếm cớ đi muộn về sớm, làm việc gì cũng qua quýt cho xong.
Bà hiểu những phiền toái khó chịu khi sống chung nên không dám bắt bẻ. Nhà thêm người, cháu còn nhỏ nên lúc nào cũng bừa bộn, mua cái gì cho con cũng phải đắn đo vì phải mua thêm cho cháu mà bao thầu hết thì tiền đâu cho đủ.
Chị dâu và em chồng tỵ nạnh khi sống chung. Ảnh minh họa |
Đó là chưa kể, cháu ngoại càng lớn, mấy đứa nhỏ lại gây sự ồn ào mà phần thua lúc nào cũng thuộc về đứa lớn. Con dâu có những ấm ức của riêng mình nhưng không tiện nói ra sợ mất lòng.
Con gái thì vô tư quá, ở với ba mẹ nên không lo lắng suy nghĩ nhiều. Bà thương vợ chồng con vất vả, nhà cửa chưa có, thu nhập thấp nên không nỡ cằn nhằn. Tuy không nói ra nhưng hai chị em vốn bằng tuổi nhau nên ngấm ngầm so đo tính toán những chuyện nhỏ nhặt.
Đơn cử như chuyện rửa bát, nấu cơm, giặt giũ chị dâu không làm thì em chồng cũng chẳng mó tay vào. Tất cả đều dồn lên vai bà, bởi thế, hai đứa cứ ỷ có mẹ làm nên dần dần mặc định những việc đó là trách nhiệm của bà. Nếu bà không làm thì thể nào sẽ xảy ra “chiến tranh” mà bà không muốn như thế vì hay ho gì chuyện chị em xào xáo nhau.
Một ngày của bà quay như chong chóng đến tận tối muộn trong khi mấy đứa con ăn xong là về phòng, bình thản lướt điện thoại. Bà vừa trông cháu vừa đi chợ nấu cơm đúng là ba đầu sáu tay mới xong nổi.
Muốn thế bà phải tận dụng hết sức lực và sự nhẫn nại để giải quyết mọi việc. Mà phải đâu bà chỉ cực vì công việc mà còn phải tính toán nát óc chuyện sinh hoạt phí cho cả nhà.
Vợ chồng con gái mỗi tháng đóng ba triệu đồng, thế là xong, con dâu lo trả tiền điện nước trong nhà nên hiếm khi đi chợ nhưng bà chẳng dám hỏi thêm. Giá cả mỗi ngày mỗi khác, bữa ăn dọn ra mà không tươm tất cũng khó coi.
Bà không có lương, vợ chồng già chỉ trong chờ vào tiền lương hưu còm cõi của ông nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Những nỗi niềm đó, trong gia đình có ai thấu hiểu cho bà.
Ông thấy bà mệt nên ở nhà chứ không đi chơi như mọi ngày. Như nhìn thấy tâm tư của vợ, ông kể bà nghe chuyện tuần trước, khi đã có đôi ba chén rượu, con trai nhắc vợ chồng em gái chuyện làm nhà ở riêng, con rể nghe có vẻ hơi phật ý.
Ông định tính bàn với bà, đất đang ở còn rộng nên cắt một phần cho con gái làm nhà, phần còn lại bán đi, chia cho một đứa một ít, con trai thì sửa nhà con gái làm nhà mới. Có như thế, ông bà vẫn được gần con mà thoát khỏi tình trạng sống chung phức tạp.
Có những nỗi niềm đó mà trong gia đình không ai thấu hiểu cho bà. Ảnh minh họa |
Ông bảo: “như thế cũng là một cách lo cho con chứ không thể bao bọc mãi được, đã đến lúc cho chúng nó tự lo chứ hai cái thân già này ôm đồm mãi sao nỗi, bà phải biết nghĩ cho bản thân chứ cáng đáng hết tụi nó quen thói ỷ lại”. Nghe ông nói, bà như trút được gánh nặng trong lòng.
Thái Phi
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
1. Đôi nét về sơn son thiếp vàng Sơn son thiếp vàng đã có từ lâu đời, trên thế giới rất nhiều quốc gia đã sử dụng để trang trí cung điện , nhà thờ , nhà chùa , hoàng cung. Cùng với sự phát triển và giao thương về kinh tế thế giới, ngày nay sơn son thiếp vàng được ứng dụng rộng rãi,...