Tôi lặng mất một hồi lâu sau khi đọc được thông tin thầy tôi đăng status tìm con gái và cháu ngoại trên facebook: Về đi thôi. Ba đang đợi nghe tiếng chuông gió Hòa Bình.
“Con gái và cháu ơi. Ba mẹ và người thân mong con và cháu về nhà. Ba không thích, không hề thích cuộc "trốn tìm" này của con đâu. Ba mẹ, chồng, chị em con và nhiều người đang rất lo lắng cho con. Về với yêu thương con nhé”. Mặc dù yêu thương các con như nhau nhưng với Hòa Bình - tên người con gái thứ hai, thầy tôi viết nhiều hơn cả. Thầy có ít nhất 3 bài thơ, 2 tản văn dành tặng riêng cho đứa con gái cưng này của mình, từng được in trên một số tờ báo văn nghệ lớn của trung ương.
Vì sao con gái mang cháu ngoại bỏ đi? Thầy tôi đã rất đau xót và lo lắng. Hình minh họa. |
Những dòng này được thầy tôi viết vào sáng sớm ngày 24/7 sau khi con gái và cháu ngoại đi khỏi nhà năm ngày, không liên lạc được. Trước khi quyết định đăng thông tin lên mạng, để chế độ công khai, nhờ cộng đồng facebook chia sẻ, nhỡ ai đó vô tình thấy con gái và cháu thì liên lạc với gia đình, tôi nghĩ, đêm hôm trước và có lẽ là những ngày trước đó nữa, gia đình thầy đã có những ngày mất ngủ và nhiều lo lắng.
Vào lúc 4g sáng ngày 26/7, lại thấy thầy tôi đưa chùm thơ mình từng viết tặng con gái với hi vọng sớm nhận được tin mừng về con và cháu đã đi khỏi nhà và mất liên lạc một tuần nay. Trong đó có bài thơ “Chiếc chuông gió Hòa Bình”, được viết vào năm 1999 với những chi tiết, kỉ niệm có thật, không hề hư cấu, trong nỗi nhớ con gái quay quắt.
“Chút biển, chút trời đu đưa nơi cửa sổ
chiếc chuông gió Hòa Bình ngân màu gió leng keng
chuông mang tên con
gió mang tên kỷ niệm
mùa con sinh ra lộng lẫy cánh buồm.
Những cánh buồm tuổi nhỏ của cha
về hát lại chân trời mùa hạ
biển leng keng
trời leng keng
và cha nữa
cũng leng keng theo chuông gió Hòa Bình”.
Đọc những câu thơ trên, sao mà không xúc động cho được? Có chuyện gì buồn phiền đi chăng nữa, cũng hãy về đi thôi, chuông gió Hòa Bình. Về đi thôi, ba mẹ, những người yêu thương vẫn đang chờ.
Hơn một tuần trước, tôi có dự buổi nói chuyện của TS. Nguyễn Phương Hoa nhân dịp chị ra mắt “Khi mây đen kéo đến” – một cuốn sách nói về trầm cảm. Chị kể về chính đám mây đen kéo tới trong lòng đứa con ruột của chị, cũng là lý do để chị viết cuốn sách này.
Cuốn sách “Khi mây đen kéo tới” của TS. Nguyễn Phương Hoa |
Nhiều người có mặt ở sự kiện cũng kể về những “ngày xấu”, những ngày không rất đẹp trời của mình. Trong số họ, có những người đã, đang bị stress, cao hơn là trầm cảm hành hạ một thời gian dài. Có những người, thậm chí đã có ý định tìm đến cái chết, kết thúc cuộc sống của mình.
Khi “mây đen” của cảm xúc kéo đến, nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực cùng một lúc gõ cửa, không gì chống đỡ được. Nhưng ngay cả lúc cùng cực nhất thì hãy tin, vẫn còn đó bên đời một bàn tay, để ta có thể nắm lấy.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhắn nhủ: “Có những ngày cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”. Và “hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng rất đẹp như một bông hoa”.Một nhà văn nào đó đã nói, chúng ta không thể nào nhìn thấy tuyết rơi trong suốt cuộc đời của một con người. Mỗi người đều cô đơn trải qua mùa đông trong sinh mệnh của mình. Chúng ta không giúp được ai cả. Nhưng ngay cả khi ta một mình, vẫn không có nghĩa là ta bị bỏ mặc. Dù không có nhiều thì ít nhất, vẫn còn một ai đó để ta có thể uống say, khóc vùi, trút hết tất thảy nỗi niềm.
Ta và cuộc đời tha thứ cho nhau đi. Hình minh họa |
Hãy mạnh mẽ đương đầu với “mây đen” trong lòng mình. Và đừng quên, bạn không hề lẻ loi trong cuộc đời mình.
Về đi, cùng nhau đương đầu, chuông gió Hòa Bình.
Tháng Sáu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
ĐỒ THỜ HẢI MẠNH - AM HIỂU VĂN HÓA TÂM LINH VIỆT Với trên 30 năm hoạt động sản xuất và kinh doanh lĩnh vực đồ thờ cúng, chúng tôi cung cấp đa dạng các mặt hàng phục vụ thờ tự tại gia đình, đình chùa, từ đường. Đội ngũ thợ lành nghề cùng nhà xưởng lớn là điều kiện thuận lợi để Đồ Thờ Hải...