Sáng sớm ngày 27/7, trên một hội nhóm dành cho người trẻ tuổi, tài khoản Facebook tên Trương Đức Lăng đã chia sẻ một bức ảnh cảm động về một ông già năm nào cũng đi thắp hương, ngồi suy tư trước bia mộ của em trai ở nghĩa trang liệt sĩ.
Chàng trai Trương Đức Lăng cho biết: “Vào dịp 27/7 hàng năm, mình đều gặp ông ngồi trước mộ em trai, châm hai điếu thuốc, bật hai lon bia để "cả hai" cùng uống. Từ lúc mình vào đoàn thanh niên cũng được 5,6 năm rồi mà năm nào đi thắp hương cũng đều gặp ông ngồi trước bia mộ em. Tình cảm thật thiêng liêng”.
Câu chuyện cảm động về hai anh em đến lúc đã cách xa hai thế giới vẫn thương nhau, nhớ nhau khiến nhiều người rưng rưng. Họ khao khát có được một tình cảm anh em như vậy. Bởi với không ít người, tình cảm không hề suôn sẻ. Gần ngay đó mà có khi anh em tết cũng không đến nhà gặp, gặp cũng không chào, mừng nhà mới cũng không thèm nói một câu, gặp đâu đó thì tránh nhìn nhau.
Nhiều người như nick Hạ Thiên thấy bức ảnh và câu chuyện trên lại nhớ về ông nội đã mất. Theo cô gái này, ông nội cô cũng mất lúc làm nhiệm vụ. Bao năm qua, gia đình tìm mãi không thấy hài cốt, chỉ có giấy báo tử không biết ngày mất. Vì thế, bà nội cô lấy ngày 27/7 làm ngày giỗ ông.
Rất nhiều người cũng trong tình cảnh này. Cụ thể như nhà Vũ Mai, ngày 27/7 cũng là ngày giỗ của ông nội. Ông Mai là trung úy hải quân hy sinh trên biển. Khi Mai sinh ra đã không biết mặt ông rồi. Cô chỉ biết tới ông qua những lời các cụ kể lại. Chiều qua, nhà Mai cũng đang chuẩn bị đồ để mai giỗ ông.
Quang cảnh một nghĩa trang liệt sĩ dịp 27/7 |
Hoàn cảnh của gia đình Kim Chi lại khác. Ông của Kim Chi đi khắp nơi vẫn chưa tìm thấy mộ hay hài cốt của bác Chi. Tìm con từ khi ông còn trung tuổi cho đến lúc liệt giường. Cho đến giờ ông của Chi đã đi xa rồi mà vẫn không tìm thấy mộ hay hài cốt của bác Chi. Với gia đình Chi, chiến tranh đã qua đi nhưng để lại mất mát quá lớn. Ngày hôm nay cô đi qua khu nghĩa trang nhìn người ta đi thăm mộ người thân mà thấy nặng lòng...
Quỳnh Hoa cũng đầy xót thương khi kể về người bác ruột đã hy sinh của mình. Hoa cho biết, bác của Hoa đã hy sinh khi đáng lẽ ngày hôm sau bác đã được xuất ngũ. Bác dự định, sau xuất ngũ sẽ về ở với mẹ. Thế mà bác không về được. Bác hiện nằm tại nghĩa trang Vinh. Năm nào gia đình cũng vào thắp hương cho bác.
Với nhiều gia đình có người thân mất ở chiến trường, chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm rồi nhưng vết thương vẫn chưa lành trong lòng họ.
Nhiều gia đình khác may mắn hơn, tìm được mộ hoặc người thân vẫn còn sống, nhưng thương tật vẫn hành hạ người thân của họ từng ngày: “Ông nội mình là lính đặc công. Nghe kể hồi xưa đang làm nhiệm vụ thì bị trúng bom. Ông may mắn hơn những người khác đã không bỏ mạng ngoài chiến trận nhưng cuộc sống bây giờ cũng khổ lắm. Nắng cũng đau, mưa cũng nhức. Mảnh bom to lắm, vỡ tung toé chèn ép dây thần kinh ở vỏ hộp sọ và não, không thể phẫu thuật được. Nhiều lúc nhìn ông đau mà thương lắm”, một bạn trẻ ở Tuyên Quang kể.
Hoài niệm về người thân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, nhiều bạn trẻ như Võ Nguyễn thấy mình có nghĩa vụ phải làm gì cho đất nước: “Hôm nay có một chút bâng khuâng, một chút buồn nhẹ, một niềm tiếc thương. Vì còn trẻ nên nghề nghiệp sau này vẫn là dấu chấm hỏi. Nhưng lúc ra nghĩa trang, mình tự hỏi rằng mình là ai, mình sẽ làm gì cho đất nước? Có lẽ ngày mai mình sẽ dành thời gian đứng trước nghĩa trang để tiếp tục nghĩ về điều này. Cảm ơn cha ông đã hy sinh để cho chúng con có ngày hôm nay”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
ĐỒ THỜ HẢI MẠNH - AM HIỂU VĂN HÓA TÂM LINH VIỆT Với trên 30 năm hoạt động sản xuất và kinh doanh lĩnh vực đồ thờ cúng, chúng tôi cung cấp đa dạng các mặt hàng phục vụ thờ tự tại gia đình, đình chùa, từ đường. Đội ngũ thợ lành nghề cùng nhà xưởng lớn là điều kiện thuận lợi để Đồ Thờ Hải...